loader image

Viện KSND Tối cao giải đáp một số vấn đề về hợp đồng đặt cọc

Mới đây, VKSND Tối cao ban hành Văn bản số 1083/VKSTC-V9 giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.

Trong văn bản, VKSND Tối cao giải đáp nhiều vướng mắc liên quan đến hợp đồng đặt cọc. 

Cụ thể, VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang có vướng mắc là trường hợp người nhận đặt cọc là người không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do đất chưa được đấu giá, chưa được tách thửa…) hoặc là người môi giới thì hợp đồng đặt cọc có bị vô hiệu không?

Trả lời vướng mắc này, VKSND Tối cao cho biết, hiện nay, quy định của pháp luật trực tiếp về hợp đồng đặt cọc chỉ có Điều 328, BLDS, Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (Mục 1, Phần I hướng dẫn về trách nhiệm chịu phạt cọc) và Án lệ số 25/2018.

Hợp đồng đặt cọc vô hiệu khi vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 117 BLDS và vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được theo Điều 408, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, tức là vi phạm các điều kiện bảo đảm tính hợp pháp của giao dịch, giao dịch tồn tại là không hợp pháp.

Nếu hợp đồng đặt cọc hợp pháp nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, một bên vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì có thể là căn cứ hủy bỏ hợp đồng theo Điều 423, BLDS.

Do việc đặt cọc là để bảo đảm cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên người nhận đặt cọc phải là người có quyền sử dụng đất hợp pháp (là người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Nếu người nhận đặt cọc không phải là người có quyền sử dụng đất hợp pháp thì hợp đồng đặt cọc vô hiệu do vi phạm điều kiện về chủ thể.

Tuy nhiên, trong vụ án cụ thể, nếu có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh người nhận đặt cọc là người được chủ sử dụng đất ủy quyền hợp pháp hoặc là người đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa hoàn tất việc sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp hoặc hợp đồng chuyển nhượng không tuân thủ quy định về hình thức nhưng đã thực hiện được ít nhất 2/3 nghĩa vụ trả tiền, giao đất) thì Tòa án có thể công nhận hợp đồng đặt cọc.

Cũng liên quan đến hợp đồng đặt cọc mua bán đất, VKSND tỉnh Bắc Giang có thắc mắc, sau khi ký hợp đồng đặt cọc, bên đặt cọc đã trả đủ tiền mua đất nhưng chưa làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp này hợp đồng đặt cọc có bị vô hiệu không, có công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không?

VKSND Tối cao cho rằng, sau khi ký hợp đồng đặt cọc, bên đặt cọc đã trả đủ tiền mua đất nhưng chưa lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Theo khoản 1, Điều 502, BLDS năm 2015; điểm a, khoản 3, Điều 167, Luật Đất đai năm 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực. Theo Điều 188, Luật Đất đai thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đăng ký tại Cơ quan đăng ký đất đai (chưa đăng ký vào Sổ địa chính) thì chưa có hiệu lực. Do vậy, trong trường hợp trên, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công nhận.

Số tiền mua đất bên đặt cọc đã giao cho bên nhận đặt cọc được xác định là số tiền đặt cọc. Để xác định hợp đồng đặt cọc có bị vô hiệu hay không phải căn cứ vào nội dung sự việc tranh chấp, nếu hợp đồng đặt cọc vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 117 BLDS và/hoặc có đối tượng không thể thực hiện được theo Điều 408, BLDS thì vô hiệu.

TRẦN VŨ

NGUỒN: LSVN

1 Comment

Leave A Comment

All fields marked with an asterisk (*) are required